Nội dung chính
(Bài viết là câu chuyện của cá nhân người viết, chia sẻ quá trình lần hồi trải nghiệm cùng Amazon. Hi vọng, với ai đó đang muốn xây dựng brand tại nước ngoài có thể tìm được điểm mình cần trong phần nào đó của câu chuyện, để có thể rút ngắn thời gian cũng như chi phí của mình – bác nào cần tư vấn gì, hãy alo tôi nhưng nhớ là đừng chửi khi tôi không biết nha 😃
Chia sẻ quá trình xây dựng thương hiệu (brand) tại nước ngoài với Amazon
Frankfurt cuối mùa thu năm 2007, ấn tượng trong tôi không phải là rừng lá phong đỏ đẹp mê hồn cuối thu, cũng không phải những thông tin dồn dập về cuộc suy thoái toàn cầu đang len lỏi mọi nơi, mà là một một câu hỏi bâng quơ của một người bản địa khi đi qua Tổng lãnh sự quán Việt nam tại Đức “Đây là đại diện của Nam hay Bắc Việt Nam???”. OMG, cái ngày Việt Nam liền một cõi ba mươi mấy năm rồi mà giờ bà Tây vẫn hỏi câu này sao? Nhưng…đâu là nguyên nhân? Ngoại giao? Thương vụ? Cộng đồng? Truyền thông? Mỗi chúng ta? Không biết, nhưng có điều chắc chắn là hầu như không mấy ai biết đến Trinidad và Tobago nếu không có cầu thủ Dwight Yorke đá cho MU club. Vậy, chúng ta đừng tự mãn là ta đã thế này, thế kia nữa – mình không hoành như mình nghĩ đâu, nhưng cũng đừng mặc cảm bởi, “năm 45, tàu chiến Nhật nó đã chạy khắp thế giới”, mình vẫn “phong kiến, nửa thuộc địa”…Hãy xem một thằng Yorke, nó “cân” cả mấy năm quảng cáo trên CNN.
Tôi dám chắc nếu chị Phi Vân (tác giả cuốn “nhượng quyền khởi nghiệp – con đường ngắn để bước ra thế giới”) đọc tựa đề này, hẳn chị sẽ mừng lắm, mừng bởi tâm huyết của chị cũng như bao người con đất Việt bấy nay mong muốn nhìn thấy ngày càng nhiều sự hiện diện của hai chữ Việt Nam trên thế giới, nay đã có thể làm nhanh hơn, dễ hơn…Và, chắc chắn những câu hỏi tương tự của vị người Đức năm nào ngày càng ít gặp.
Vậy, cụ thể trong trường hợp này là làm thế nào? Tôi xin kể câu chuyện của tôi với Amazon (trước đó đã bao người viết rồi nhưng vì các bác ít chia sẻ nên chúng ta ít được biết, đó là: https://www.amazon.com/stores/node/3039917011?_encoding=UTF8&field-lbr_brands_browse-bin=RED%20BOAT&ref_=bl_dp_s_web_3039917011&productGridPageIndex=1 và https://www.amazon.com/marycrafts…)
Quay lại câu chuyện nhượng quyền của chị Vân: Chúng ta sẽ xây một chuỗi kha khá ở Việt Nam dạng như Trung Nguyên coffee, Phở 24, Toco Toco, Aha… rồi cho người khác dùng thương hiệu của mình có thu phí, nếu người đó là Tây thì ta sẽ qua chuỗi đó nghiễm nhiên hiện diện trên đất người ta.
Dễ thấy, các brand trên đều là bán lẻ hoặc F&B (ăn uống) và chi phí xây dựng một hệ thống như thế, chắc chắn không dưới VÀI CHỤC TỶ và KHÔNG DƯỚI ĐÔI NĂM. Vậy, những Nhà sản xuất hoặc những ngành nghề khác mà khó xây dựng “chuỗi” như công ty xây dựng, chế biến thực phẩm, may mặc… thì làm thế nào để hiện diện ở sân nhà người ta? Theo cách thông thường, ta sẽ lập văn phòng đại diện (Representative) hoặc mua cổ phẩn công ty nước ngoài (bầu Đức làm tý với Arsenal), lập công ty ở nước ngoài (Công ty TNHH Trung Nguyên International tại Sing của chị Thảo vợ “Qua” Vũ)…Bài này cực kỳ tốn kém và khá nếu không muốn nói là quá khó thực hiện cho đa số, chỉ hợp bác nào mạnh gạo. Tuy nhiên, đừng lo, bệnh nào chả có thuốc? Hãy tìm đến Dr. Jeff, cha người Mỹ có cái đầu giống đại gia quê lúa đang nổi như cồn.
Thật vậy, chỉ không quá một năm, với chi phí không đến tiền tỷ, với Amazon, chúng ta hoàn toàn có thể hiện diện trên đất Mỹ (và những nơi Amazon hiện diện) như các ví dụ trên. Và, vạn sự khởi đầu nan, bố đã chơi được với Amazon thì sẽ có cách chơi với những thằng khác, ví dụ Warlmart, Rakuten (Nhật), Coupang (Hàn), Cu ten (Sing) và dễ hơn nữa với Laz Mall, Shopee Mall…Tiến trình như sau: Đăng ký công ty ở Việt Nam (bác nào có sẵn rồi thì ngon quá); Đăng ký mã số mã vạch tại GS1 (đường Hoàng Quốc Việt – Hà Nội) vừa rẻ lại sở hữu chính chủ; Đăng ký TK Amazon (nhờ chỗ Ecomstone hỗ trợ); Thiết kế nhãn hiệu; Thuê công ty đăng ký nhãn hiệu tại Mỹ; Upload nhãn hiệu lên Amazon và tạo Storefront (cùng A+ content).
1. Chi phí: 180.000.000 (VND): Theo thứ tự các bước tiến hành
- Đăng ký Công ty, mã vạch GS1, web site, fanpage…: 40.000.000
- Thiết kế nhãn hiệu: 10.000.000
- Thuê VP Luật submit nhãn hiệu tại Anh: 7.000.000 (Mỹ là 9.000.000)
- Thuê người làm: 12 tháng x 10.000.000 = 120.000.000
2. Thời gian chờ đợi đăng ký
Tất tần tật không quá 12 tháng (Nhanh hơn trong nước)
3. Độ khó/dễ
Nếu trước kia, ta phải tham gia hội chợ này, triển lãm kia (giờ vẫn có thể tham gia, ko sao cả), rồi nhờ Thương vụ xúc tiến, cơ quan Ngoại giao setup…đoạn trường ai qua mới hay. Thì nay, một doanh nghiệp dạng nhỏ (như tôi là dạng muỗi) vẫn hoàn toàn có thể làm được: Thiếu hẳn người thì thuê hết, có phòng Marketing hoặc pháp chế thì giao cho họ làm. Đặc biệt, chắc chắn một điều là vận hành một hệ thống như này cũng dễ hơn rất nhiều so với hệ thống dạng “mô tơ cơm” – tin tôi đi vì tôi đang làm rồi.
Tôi lần hồi tự làm hoàn toàn nên mất khá nhiều thời gian, nếu bác nào sẵn nong, sẵn né rồi chỉ việc đăng ký nhãn hiệu, dựng storefront và scale up B2B lên thì sẽ nhanh hơn nữa.
Rõ ràng là chi phí có thể nói rẻ bằng 1/10 option rẻ nhất kể trên đó là dựng văn phòng đại diện và còn rẻ hơn nữa nếu mọi người không phải bắt đầu từ đầu – có công ty, website, trademark…rồi (đây là thực tế vì mấy ô bạn vong niên của tôi đã ném nhiều tỷ qua đó nhưng chưa thấy đến đâu cả).
Nói đến đây, chắc không ít người ngạc nhiên nói sao rẻ thế: Thưa, đó là vì tôi tự cày hết. Và, tại sao các bác hỏi chỗ nọ chỗ kia đắt thế? Thưa, hoàn toàn hợp lý thôi, đây là Mỹ mà: Một giờ lao động của osin Mỹ không dưới 17 đô, của luật sư bỏ rẻ chắc tầm 50 đô à, thế nên các đơn vị ở Việt Nam có hợp tác với Mỹ thì đương nhiên họ không thể hít khí trời làm việc cho mình được và còn bao chi phí khác: Văn phòng, điện, nước, trả lương nhân viên…Tiền nào của nấy thôi, tôi tự làm tự ăn thì cũng tự chịu: Chuyển tiền cho Tây xong về thắp hương, nó bùng thì mình nhảy lầu, còn nếu thuê người của Ta thì họ đảm bảo cho mình đủ thứ, tư vấn tận răng.
Từ kinh nghiệm bản thân, tôi cho là mọi người hãy thuê cho nhẹ đầu – HÃY TẬP TRUNG VÀO VIỆC MÌNH LÀM TỐT NHẤT, đừng làm như tôi vì tôi không có tiền và chấp nhận “học phí” để cày cho vỡ ra (tôi có tham gia show của Amazon năm 2007 tại Hà Nội, thấy có case study của chị marycrafts này – lúc đó chưa làm amazon à. Về sau làm cứ thấy hàng của mình nó lẩn đâu đâu, không đẹp như trang web được, thế là lần mò làm chứ đã hiểu storefront là cái gì đâu, làm gì có ai dạy? biết ai mà hỏi?).
“Chắc ai đó sẽ cười”, mới đăng ký được cái nhãn hiệu, xây đc cái storefront trên đó đâu đã là gì? Bán khỏe đi hãy chém. Xin thưa, không bây giờ thì là bao giờ? vĩ nhân nào chả bắt đầu từ đứa trẻ?
Việc đăng ký thương hiệu và xây dựng storefront trên Amazon có rất nhiều lợi ích to lớn: Nhiều option chạy quảng cáo hơn, hàng hóa nhìn hấp dẫn hơn (với A+ content – trước là EBC) sẽ tăng tỉ lệ chuyển đổi hơn, công cụ tuyệt vời chống hijack và vi phạm sở hữu trí tuệ (thử tưởng tượng giờ tôi đăng ký nước tương Chinsu trước a Quang (Massan) xem nào. A Quang cứ vác hàng sang bán đi, tôi cứ để bán thời gian đủ dài, rồi…Massan vác vài chục tỉ tiền hàng qua FC, lúc đó tôi mới complain với cha đầu trọc kia xem a Quang có xin số tôi không nào???😎 – Câu chuyện cà phê Trung Nguyên ngày nào ở Trung Quốc vẫn nguyên giá trị). Có một hiện trạng khá buồn là hầu hết các thương hiệu lớn của Việt Nam đều chưa đăng ký trademark tại Mỹ, có bác “Qua” Trung Nguyên đăng ký cũng lâu lâu rồi nhưng đợt này mải mê ra tòa đâm có 1 brand bị dead hình như cũng không để ý. Nếu ai đó thức thời, giờ chỉ đầu tư (đúng nghĩa) đăng ký các nhãn hiệu nổi tiếng đầu “Vina” của mình sau nhượng lại cho các doanh nghiệp cũng lãi lớn à – lãi lớn nhất là giữ được tài sản vô hình quí giá ở lại đất nước mình.
Nói có thể thừa nhưng vẫn nên nói: Đừng dựa hết vào Amazon, trong trường hợp này, hãy lấy đó làm bàn đạp bằng cách vừa bán lẻ, vừa bán buôn đồng thời xây dựng website của mình, xây các kênh marketing khác như Facebook, Instgram, Pinterest, Youtube, Linkedin, Twitter kéo traffic về. Dịch vụ Fulfillment của Amazon cũng là một thứ không thể bỏ qua nhất là tính năng fulfill đa nền tảng (MCF) nghĩa là bán ở đâu cũng được, Amz ship cho mình và càng quan trọng hơn nếu ta bán không chỉ Mỹ (chức năng global selling).
Note: Ở Việt Nam có nhiều case rất khủng, thậm chí đăng ký cả patent ở bên Mỹ rồi (tôi vô tình đọc được trên một diễn đàn của Tây). Vì sao tôi nói khủng, vì đăng ký Patent (sáng chế) đắt và phức tạp gấp nhiều lần đăng ký trademark (nhãn hiệu) à, có trường hợp gấp trăm lần – Đấy, ai bảo người Việt ta không dám làm? chỉ có các bác làm nhưng không thích share, thế thôi.
Nguồn:Tài khoản Facebook Bác Người Ngựa